Thay đổi màu sắc

Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tham mưu

Thứ hai - 09/09/2024 21:57
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tham mưu

BPO - Với mong muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, thay đổi phương pháp, cách thức làm việc từ thủ công truyền thống sang công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lực lượng công an Bình Phước đang ngày càng được quan tâm, nhất là với công tác tham mưu. Từ đây, nhiều mô hình quản lý ứng dụng CNTT đã ra đời, góp phần cải tiến quy trình, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành và hiệu suất công việc của lực lượng công an tỉnh.

TỪ PHẦN MỀM QUẢN LÝ VỤ VIỆC, ĐƠN THƯ VÀ VĂN BẢN

“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói chung và quản lý, theo dõi các mặt công tác của lực lượng công an là rất cần thiết. Điều đó thể hiện tính khoa học, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng một hệ thống quản lý tập trung, đặc biệt là thống nhất trên các mặt công tác của lực lượng công an tỉnh vô cùng cấp thiết” - Thượng tá Nông Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh chia sẻ. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, năm 2020, lãnh đạo Phòng Tham mưu đã chỉ đạo Đội Tham mưu cảnh sát là đơn vị chủ công, phối hợp các đội nghiệp vụ nghiên cứu, xây dựng một hệ thống tích hợp gồm nhiều chức năng để sử dụng đồng bộ trong Công an tỉnh, với tên gọi phần mềm quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản.

Cán bộ Đội Tham mưu cảnh sát, Phòng Tham mưu Công an tỉnh hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cách ứng dụng phần mềm hiệu quả

Sau khi triển khai phần mềm, hệ thống đã xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác, khoa học và được cập nhật liên tục. Cụ thể, hệ thống phần mềm đang quản lý thông tin của hơn 4.500 vụ việc với hơn 5.500 đối tượng vi phạm, 450 đơn thư (gồm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh), 430 vụ việc tai nạn giao thông (gồm va chạm giao thông và tai nạn giao thông) cùng hàng chục ngàn văn bản, ý kiến chỉ đạo khác. Ngoài ra, hệ thống cũng đã tích hợp hơn 60 biểu mẫu tố tụng hình sự thường xuyên được sử dụng trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Với chức năng phân tích và kế thừa thông tin, phần mềm sẽ giúp điều tra viên thụ lý vụ án, vụ việc trích xuất tự động các biểu mẫu tố tụng như: quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú…. dựa trên thông tin, dữ liệu ban đầu đã nhập (chỉ nhập một lần duy nhất), qua đó giúp tiết kiệm nhiều thời gian, hạn chế sai sót và nâng cao hiệu quả công tác.

…ĐẾN HỆ THỐNG THEO DÕI CHỈ TIÊU CÔNG TÁC CÔNG AN

Tiếp nối thành công phần mềm quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản, cuối năm 2023, mô hình phần mềm hệ thống theo dõi chỉ tiêu công tác công an được Đội Tham mưu cảnh sát nghiên cứu và ứng dụng thành công. Đây là hệ thống phần mềm theo dõi chỉ tiêu chặt chẽ, thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình thực hiện công tác của các đơn vị nghiệp vụ. Chỉ vài thao tác trên hệ thống, các đơn vị nghiệp vụ có thể dễ dàng rà soát, tổng hợp những chỉ tiêu đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. “Với phần mềm này, việc cung cấp tài liệu kiểm chứng hoặc cập nhật tiến độ các chỉ tiêu sẽ hiển thị ngay trên hệ thống và Phòng Tham mưu là đơn vị chủ trì sẽ nắm bắt, biết được tiến độ của các địa phương, đơn vị đến đâu, đặc biệt là theo dõi tiến độ từng tháng, quý hoặc theo từng chuyên đề” - Thượng úy Dương Văn Đức, cán bộ Đội Tham mưu cảnh sát cho biết.


Thượng úy Dương Văn Đức, cán bộ Đội Tham mưu cảnh sát, Phòng Tham mưu Công an tỉnh thường xuyên tìm tòi, học hỏi để phát triển các phần mềm phục vụ công việc

Theo đó, trên cơ sở chỉ tiêu hằng năm của Giám đốc Công an tỉnh giao, công an các đơn vị địa phương, đơn vị phụ trách tham mưu an ninh, tham mưu cảnh sát, tham mưu xây dựng lực lượng - hậu cần sẽ tạo danh mục theo dõi chỉ tiêu công tác ở chức năng “Chỉ tiêu công tác” trên hệ thống chỉ đạo điều hành của Công an tỉnh và cập nhật theo dõi tiến độ hằng giờ, hằng ngày. Đến nay, hệ thống này được triển khai toàn diện từ các phòng nghiệp vụ công an cấp tỉnh đến công an cơ sở ở 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với 109 chỉ tiêu công tác đang được quản lý, theo dõi trên tất cả lĩnh vực an ninh trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần trong Công an tỉnh Bình Phước.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THAM MƯU

Không chỉ có các phần mềm nêu trên mà từ năm 2020 đến nay, Đội Tham mưu cảnh sát đã tiên phong nghiên cứu, xây dựng nhiều phần mềm CNTT để phục vụ công tác như: Phần mềm quản lý các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy,  chữa cháy, hệ thống theo dõi dữ liệu dân cư và đặc biệt là hệ thống chỉ đạo, điều hành của Công an tỉnh… “Từ khi triển khai đến nay, hệ thống các phần mềm này đã phục vụ đắc lực công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Công an tỉnh. Qua đó, nâng cao ý thức và trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, chiến sĩ trong công tác chuyên môn” - Thượng tá Nông Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh khẳng định.

Công an tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ, chiến sĩ

Với việc triển khai ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo, công tác tham mưu trong Công an tỉnh Bình Phước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần mềm như một người trợ lý đáng tin cậy của cán bộ tham mưu, giúp giảm thiểu thời gian, công sức tổng hợp dữ liệu thông tin về vụ án, vụ việc, đối tượng... Để tiếp tục phát huy hiệu quả các phần mềm này, thời gian tới, Phòng Tham mưu, Công an tỉnh sẽ cập nhật, nâng cấp hệ thống phần mềm phù hợp yêu cầu thực tiễn công tác.

“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Bộ Công an. Đồng thời từng bước triển khai và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Công an tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác công an và kế hoạch chuyển đổi số trong Công an tỉnh đến năm 2025”.

Thượng tá NÔNG THỊ BÍCH NGỌC, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh

 

Sự sáng tạo trong công việc, thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số đã tạo nên những tác động tích cực trong thực hiện các mặt công tác của lực lượng công an Bình Phước. Điều này không chỉ thay đổi phương thức, lề lối làm việc, tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin mà còn góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, nâng cao chỉ số chuyển đổi số trong Công an tỉnh.

Tác giả: Trung sinh - Thu Thảo

Tác giả: xã Thọ Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây