Mở cửa chính quyền số
3 năm nay, từ nguồn xã hội hóa, thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng đã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại nhà văn hóa. Nhờ đó, các buổi sinh hoạt chi bộ, ngoài những thông tin do bí thư chi bộ cung cấp, các đảng viên còn sử dụng điện thoại thông minh truy cập internet để tra cứu, nắm bắt thêm các văn bản liên quan. Hay như các hoạt động tập trung đông người, cài đặt định danh điện tử mức 2 cũng thuận tiện hơn vì có wifi.
Ông Đỗ Ngọc Sáu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Tân chia sẻ: “Sau khi nhà văn hóa thôn được lắp wifi, người dân đến nhà văn hóa đông hơn, không chỉ tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ mà còn sử dụng wifi để đọc tin tức. Chi phí lắp đặt ban đầu chỉ tốn vài triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại là gắn kết tình làng nghĩa xóm, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân”.
Người dân xã Phú Riềng dần làm quen với hình thức thanh toán số
Từ những lợi ích thiết thực, đến nay đã có 9/11 nhà văn hóa thôn ở xã Phú Riềng đã vận động xã hội hóa lắp đặt wifi miễn phí cho người dân sử dụng. Mạng wifi phủ rộng là điều kiện thuận lợi để các nhóm Zalo thôn, ấp hoạt động tích cực, từ đó kết nối người dân với nhau, lan tỏa thông tin, các phản ánh, kiến nghị của người dân đến cấp ủy, chính quyền cũng nhanh chóng và chính xác hơn.
Ông Lê Trọng Nghĩa, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Phú Riềng cho biết: Xã đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đưa người dân lên môi trường số. Các tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, ấp đã dành nhiều thời gian đến địa bàn hỗ trợ người dân tham gia CĐS, hướng dẫn tiếp cận công nghệ theo cách “cầm tay chỉ việc” cho từng trường hợp. Từ đó người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thực áp dụng vào cuộc sống.
Thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân trở thành những công dân số, khai thác hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số do Nhà nước cung cấp, góp phần phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, xã Phú Riềng đã tuyên truyền, vận động người dân và các hộ kinh doanh, buôn bán không dùng tiền mặt. Hiện 80% cửa hàng, quán ăn trên địa bàn xã đều đã sử dụng phương thức thanh toán qua mã QR, thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế số tại địa phương.
Chị Nguyễn Anh Thơ ở thôn Phú Hưng, xã Phú Riềng cho rằng: Nếu trước đây, người dân luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với thẻ ATM hoặc chiếc điện thoại thông minh đã có thể thanh toán mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê và cả người bán hàng tại chợ cũng đều có mã QR để người dân thuận tiện chuyển khoản.
“Trong mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động của đời sống, bên cạnh sự chủ động vẫn còn những khó khăn nhất định do tâm lý e dè của người dân. Tuy nhiên, khó thì tìm cách. Khi người dân đến bộ phận một cửa, chúng tôi tận tình hướng dẫn, xây dựng môi trường công sở gần gũi, công chức gương mẫu và có trách nhiệm với nhân dân chính là giải pháp xóa bỏ khoảng cách giữa người dân với chính quyền, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính từ cơ sở” - ông Lê Duy Thuấn, công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Phú Riềng nhấn mạnh.
Hạ tầng số phủ rộng
Chính quyền số là một trong 3 trụ cột chính, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy quá trình CĐS. Trong các tiêu chí hoạt động chính quyền số, việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về CĐS; hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân… đang được các địa phương trong tỉnh nỗ lực, quyết liệt triển khai.
Đoàn thanh niên thị xã Bình Long tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bình Long cho biết: Tập trung đầu tư về hạ tầng, công nghệ là một trong rất nhiều giải pháp để thực hiện thành công chính quyền số. Hiện 100% cơ quan hành chính của thị xã đã khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, phần mềm quản lý văn bản; 100% lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp chứng thư số chuyên dùng; thực hiện ký số trên phần mềm quản lý văn bản và gửi - nhận trên môi trường điện tử theo trục liên thông tỉnh. Gần 300 cuộc họp được thực hiện trực tuyến; trên 90% văn bản đi, đến được luân chuyển trên môi trường mạng, trừ một số văn bản có tính chất mật... Các lực lượng chức năng của thị xã, các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính cần thiết.
Thời gian qua, từ nguồn ngân sách cùng sự vào cuộc của các tập đoàn công nghệ, nhà mạng viễn thông, Bình Phước đã đầu tư hạ tầng viễn thông, đường truyền internet tốc độ cao, phủ lõm sóng. Toàn tỉnh đã có 100% thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định; mạng di động 3G/4G cũng đã phủ sóng 100% thôn, ấp; số hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 88%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đạt 102%. Từ đó, người dân dễ dàng thực hiện các thao tác, sử dụng nhiều tiện ích thông minh mà Nhà nước cung cấp.
Hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu CĐS của mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức và người dân. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu vào CĐS, Bình Phước đã xác định dù máy móc hiện đại, tối tân đến đâu thì thay đổi tư duy mới là quan trọng nhất. Thay đổi từ người đứng đầu sẽ tạo sự lan tỏa trong nhân dân vì đích đến của CĐS là phục vụ người dân. Mỗi người dân trở thành công dân số thì CĐS mới thành công. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. |
Ông NGUYỄN MINH QUANG Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông |
Tác giả: xã Thọ Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn